Bố mẹ can thiệp và chi phối quá sâu tới cuộc đời của con
- phale
- 09/05/2023
- Truyền cảm hứng
- 0 Comments
Bố mẹ can thiệp và chi phối quá sâu tới cuộc đời của con sẽ tạo nên những thế hệ không thể làm chủ được bản thân mình, và chắc chắn cuộc đời bất hạnh.
Những ai đang là bố mẹ trong Cộng đồng gia đình hạnh phúc bền vững của Gia đình Số học Mặt Trời đều nên tìm hiểu qua bài giảng này. Vì chúng ta đi lên từ những đứa con, nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu được tâm tư của con mình. Từ đó, phát sinh bi kịch bố mẹ can thiệp và chi phối quá sâu tới cuộc đời của con. Nguyên nhân cũng như cách hóa giải tình trạng này, Coach Bùi Quốc Tuấn sẽ chia sẻ cùng chúng ta ngay sau đây.
Những trường hợp bố mẹ can thiệp và chi phối quá sâu tới cuộc đời của con
Qua từng ngày, những người đang trong cộng đồng Gia đình hạnh phúc bền vững Mặt Trời đã có những thay đổi tích cực cả về thân, tâm, trí. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận rằng, chúng ta dễ dãi với các quan hệ với người ngoài. Tuy nhiên, lại khó thay đổi cách ứng xử với những quan hệ thân thiết. Và với con cái mình, đó là một điển hình rõ nét. Hãy thử xem, bạn có đang phải là những bố mẹ đang can thiệp quá sâu vào cuộc đời của con mình qua những tác động dưới đây hay không?
Đánh con, và hướng nó theo sự áp đặt của mình
Đây có lẽ không chỉ là sự áp đặt. Nó còn là một bi kịch mà rất nhiều bố mẹ vẫn đang gặp phải. Chúng ta ý thức được rằng đòn roi không phải là sự dạy dỗ đúng cách. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta lại không thể thay đổi điều đó được.
Rất nhiều bậc cha mẹ thiếu kiên nhẫn với con cái của mình. Lười học – đánh. Ham chơi – đánh. Đòi mua quà bánh ở siêu thị, cửa hàng – đánh. Mê game – đánh. Trả treo hay có lời nói thiếu chuẩn mực với bố mẹ – đánh. Chúng ta đánh rẻ ở mọi lỗi lầm mà trẻ mắc phải.
Và điều này dẫn đến bi kịch gì? Nhiều nghiên cứu cho rằng, bố mẹ có sự ám ảnh tâm lý từ thế hệ đi trước. Tức là, một người từ nhỏ đã bị dạy bảo bằng đòn roi, lớn lên sẽ có 2 xu hướng. Một là không bao giờ dùng đòn roi với con cái mình. Hai là lặp lại sai lầm của thế hệ trước và lấy đòn roi làm công cụ răn đe con cái. Xu hướng thứ 2 này nhiều hơn.
Những đứa trẻ bị đòn roi nhiều sẽ trở nên chai lì hơn, tâm lý bất ổn hơn, sự chống đối nhiều hơn. Chúng khó cảm nhận được tình yêu thương thực sự và khả năng thành công trên đường đời cũng sẽ bị giảm sút hơn. Chúng trải qua một tuổi thơ đầy ám ảnh và bất cứ điều gì chúng làm cũng đều trong trạng thái thiếu tự tin. Hãy thử nghĩ, đây có phải là kết quả mà bạn mong muốn hay không?
Quá bảo bọc con
Xu hướng thứ 2 chính là quá bảo bọc con. Dù gia đình giàu hay nghèo, một đứa trẻ được sinh ra cũng là kỳ vọng, là khát khao, là tình yêu và niềm hạnh phúc của gia đình. Và vì vậy, rất nhiều người có xu hướng bảo bọc con mình quá sức.
Rất nhiều đứa trẻ đã được nuôi lớn với phong cách “gà công nghiệp” như thế. Thậm chí, có đứa trẻ 9,10 tuổi hay thậm chí lớn hơn còn được bố mẹ đút cho ăn, soạn cho từng cái quần cái áo đi học. Đi học có đưa đón, về nhà được chăm sóc tận răng. Chúng không cần phải làm bất cứ việc nhà nào. Chúng không cần học bất cứ kỹ năng sinh tồn nào.
Nếu bố mẹ có điều kiện kinh tế đủ mạnh để cho con một tương lai thật vững chắc, sự bảo bọc này dù tiêu cực nhưng cũng không đến nỗi khiến trẻ mất phương hướng trong đời.
Tuy nhiên, nếu cuộc sống có những biến cố, bạn có từng nghĩ điều gì sẽ xảy ra. Một đứa trẻ đến cả những kỹ năng sống cơ bản cũng không có, tự chăm sóc bản thân mình cũng không được thì sao? Xu hướng chúng sẽ rất ích kỷ, sống chỉ biết cho bản thân. Hoặc chúng sẽ không đủ bản lĩnh để ra ngoài xã hội, kiếm việc làm, tự nuôi sống bản thân.
Và dù đi theo xu hướng nào, thì điều này cũng không phải là điều mà bạn nên làm. Rồi chúng sẽ nuôi dạy thế hệ sau đó như thế nào?
Can thiệp ngay cả khi con đã trưởng thành
Những sự bảo bọc từ khi còn trẻ chưa phải là giới hạn của những ông bố, bà mẹ độc tài muốn can thiệp sâu vào đời tư của con cái. Nguy hiểm hơn, sự can thiệp này còn diễn biến cả khi trẻ đã trưởng thành và có gia đình. Can thiệp vào việc chọn vợ, chọn chồng của con cái. Can thiệp vào cách tổ chức cuộc sống của chúng. Can thiệp vào cách nuôi dạy con cái của chúng và rất nhiều vấn đề khác.
Yêu thương và tôn trọng: Nhu cầu chính đáng của mọi đứa trẻ
Nếu bạn đang thuộc kiểu những ông bố bà mẹ trên đây, thật đáng buồn là bạn đang can thiệp quá sâu vào cuộc đời của con cái mình.
Với mỗi đứa trẻ, yêu thương và tôn trọng luôn là nhu cầu chính đáng. Chỉ có những đứa trẻ được nuôi lớn bằng tình yêu thương mới có thể trưởng thành một cách hạnh phúc. Được tôn trọng, chúng mới có thể dễ dàng bộc lộ được cái tôi cá nhân. Đồng thời, mạnh dạn đưa ra được những đề xuất, tự tin dấn thân trong các đam mê và có đủ năng lượng để vươn tới những mục tiêu của mình.
Do đó, sự bảo bọc của chúng ta không thể vin vào tình yêu thương để thực hiện được. Sự đánh đập hay can thiệp quá sâu vào cuộc đời của con cái mình đều mang đến những hệ lụy đáng tiếc. Chúng ta không thể giúp trẻ thành công và trở thành những con người có ích cho xã hội, trở thành con người tích cực, đầy năng lượng yêu thương nếu chúng ta không để trẻ tự sống với chính những tính cách và bản ngã của mình.
Hãy để trẻ tự đi trên đôi chân của mình!
Con cái không thuộc về chúng ta!
Con cái, thuộc về thân tâm trí của chúng. Con cái do chúng ta sinh ra, nhưng lại không thuộc về chúng ta. Điều này có thể là một sự thật khá phũ phàng với nhiều bậc cha mẹ. Khi sinh con, vì tình yêu thương quá lớn, nên nhiều người có xu hướng bảo bọc con và mong muốn chúng sẽ thay mình thực hiện những ước mơ còn dang dở của mình.
Thế nhưng, nếu bạn luôn nghĩ rằng con cái là của bạn, và từ đó bạn đem những mong ước kỳ vọng của mình đặt lên những đứa trẻ. Hoặc bạn luôn áp đặt chúng theo suy nghĩ của chính mình thì thật tai hại. Tình yêu thương lúc này sẽ trở thành vũ khí sát hại trẻ, tạo nên những thế hệ tương lai thiếu tình thương, trách nhiệm, thiếu sự chủ động trong mọi vấn đề.
Tách bạch giữa yêu thương, trách nhiệm, để có cách ứng xử đúng nhất với con cái. Đó chính là điều mà mọi phụ huynh đều cần phải học trong cuộc đời làm cha mẹ của mình. Buông bỏ đúng lúc để giúp con trưởng thành. Trở thành bạn đồng hành của con thay vì là người áp đặt, kẻ ban ơn. Đừng ca thán về công nuôi nấng dạy dỗ vì bạn chọn sinh ra chúng. Chỉ khi làm được những điều này, hành trình làm cha mẹ mới thật sự hạnh phúc và ý nghĩa theo đúng cách mà nó nên được thực hiện như thế.
Bây giờ, bạn đã hiểu được vấn đề và bạn cũng cần có sự thay đổi ngay hôm nay. Đừng can thiệp và chi phối quá sâu vào cuộc đời của con. Hãy để chúng tự đi trên đôi chân của mình và tìm thấy chân trời của riêng chúng. Chúc các bậc cha mẹ luôn nhận được những sự trân quý từ những đứa con, bằng tình yêu thương mà mình đã trao đi ngày hôm nay.
Leave A Comment
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.